» Học tập làm theo lời Bác

Hành trình theo chân Bác!!!


Đăng lúc: 09:24:31 06/08/2015



Hành trình theo chân Bác : Ngày 30 tháng 7 - “Vấn đề con người là hết sức quan trọng”

Cách đây 93 năm, ngày 30-7-1922, mật thám Pháp theo dõi Nguyễn Ái Quốc đi dự đám tang Jules Guesde, một chính khách thiên tả, đến Nghĩa trang Père Lachaise và buổi chiều tham gia một cuộc mít tinh tại Saint Gervais.

Ngày 30-7-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, viên Thống đốc người Anh đã ký lệnh bắt giam Tống Văn Sơ lần thứ tư.

Ngày 30-7-1948, trên Báo Sự Thật, với bút danh A.G, Bác viết bài “Giữ bí mật” để chứng minh một nguyên lý quan trọng mà “Vị tổ sư của các nhà quân sự là ông Tôn Tử nói rằng: Trong chiến tranh điều gì quan trọng nhất? Giữ bí mật là quan trọng nhất”, để đi đến một nhận định: “Thế là cuộc chiến tranh thắng hay bại, một phần lớn là do biết giữ bí mật hay không biết giữ bí mật mà quyết định”. Từ đó, bài báo liên hệ đến thực tế là “Trong cuộc chiến tranh này, chúng ta đã biết giữ bí mật chưa? Chưa!” và đi đến kết luận: “Biết giữ bí mật, tức là ta đã nắm chắc một phần lớn thắng lợi trong tay ta”.

Ngày 30-7-1950, Báo Sự Thật đăng bài “Xin chỉ thị, gửi báo cáo”, với bút danh XYZ, Bác đề cập đến hiện trạng: “Trước khi làm không xin chỉ thị. Khi làm rồi, không gửi báo cáo. Nhiều địa phương mắc phải cái bệnh ấy. Họ không hiểu rằng thế là: Vô kỷ luật, vô chính phủ, địa phương chủ nghĩa... Vì bệnh ấy có nơi phải thất bại chua cay”. Bài báo phân tích sự cần thiết phải thực hiện những nguyên tắc bảo đảm mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương. Bài báo cũng hướng dẫn rất cụ thể những cách thức để việc báo cáo mang lại hiệu quả: “Báo cáo phải thật thà, gọn gàng, rõ ràng, thiết thực. Những tài liệu và con số phải phân tích và chứng thật. Không nên hàm hồ, bèo nheo. Điều gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, không nên nói ẩu. Không nên viết “tràng giang đại hải” mà làm lu mờ những điểm chính”. Bài báo kết luận: “Đánh thắng khuyết điểm của ta, tức là một phần đã đánh thắng địch”.

Ngày 30-7-1962, tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về công tác kiểm tra kế hoạch nhà nước năm 1963, Bác phát biểu: “Từ ngày hòa bình lập lại năm nào cũng có thuận lợi, có khó khăn và năm nào cũng không đạt kế hoạch. Tình hình mỗi ngày một căng thẳng. Ta phải tính cách nào, nếu cần có thể giảm bớt một phần xây dựng để giải quyết vấn đề ăn và mặc cho quần chúng được tốt hơn nữa, đừng để cho tình hình đời sống căng thẳng quá. Vấn đề con người là hết sức quan trọng. Nhà máy cũng cần có thêm, có sớm, nhưng cần hơn là con người, là sự phấn khởi của quần chúng. Làm tất cả là do con người...”.

Ngày 30-7-1969, Bác tiếp nhà toán học Hoàng Tụy, nghe báo cáo về việc ứng dụng vận trù học trong phân phối hàng hóa để góp phần giải quyết việc xếp hàng “rồng rắn” trước các cửa hàng. Giáo sư Hoàng Tụy thuật lại: “Trong cuộc gặp, Bác trao đổi: “Nên tìm chữ gì dễ hiểu hơn, chữ “vận trù học” thì Chủ tịch nước cũng không hiểu nổi. “Vận trù” là câu của Trương Lương: “Vận trù ư duy ác chi trung, quyết thắng ư thiên lý chi ngoại”. Vận trù cũng là tham mưu, Bộ đội ta có nhiều người không học tính toán được nhiều mà làm “vận trù” cũng khá là nhờ cái này”. Rồi người chỉ vào trái tim mình”.

 

Tin cùng chủ đề: