» Văn bản cần biết

10 đạo luật có hiệu lực thi hành kể từ 1/1/2018


Đăng lúc: 14:58:47 08/02/2018



Từ ngày 1/1/2018, 10 đạo luật sẽ có hiệu lực, gồm: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Bộ Luật Tố tụng hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Du lịch.

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH 13: được ban hành nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, góp phần áp dụng thống nhất Bộ luật trong thực tiễn, đồng thời, bổ sung một số vấn đề mới phát sinh sau khi Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được thông qua, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội: người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng giới hạn trong 28 tội danh cụ thể và chỉ chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với hai tội danh: giết người và cướp tài sản; sửa đổi, bổ sung một số quy định mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm cả đối với hai tội danh: tài trợ khủng bố và rửa tiền nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung mức định lượng trong các khung của một số điều luật nhằm bảo đảm sự tiếp nối giữa các mức định lượng trong các khung, tránh chồng chéo, trùng lặp, gây khó khăn cho việc xử lý tội phạm; sửa đổi, bổ sung yếu tố cấu thành của một số tội phạm để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Luật bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng, máy tính, mạng viễn thông (điều 292 Bộ luật Hình sự); bổ sung một tội danh mới - đó là tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (điều 217a Bộ luật Hình sự) nhằm xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian qua, gây thiệt hại cho nhiều người, nhất là người dân ở vùng nông thôn, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

2. Bộ luật Tố tụng hình sự: gồm 9 phần, 36 chương, 510 điều. Luật thể chế hóa đầy đủ các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời, chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội.

Bộ luật đã sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, gồm: Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác; suy đoán vô tội; không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm; tranh tụng trong xét xử được bảo đảm; bảo đảm sự kiểm tra, giám sát trong hệ thống từng cơ quan tố tụng và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Bộ luật quy định các biện pháp chống bức cung, nhục hình; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động tố tụng hình sự. Theo đó, bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra...

3. Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam: gồm 11 chương, 73 điều. Luật có các quy định về tiếp nhận, phân loại quản lý, chế độ quản lý, thực hiện trích xuất, chuyển giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam; việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tam giam; kỷ luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ; quản lý đồ vật, tư trang, tiền, tài sản của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam bỏ trốn; giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam bị chết.

Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

4. Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự: gồm 10 chương, 73 điều. Để đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác điều tra hình sự, quy định về tổ chức quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được điều chỉnh cho phù hợp.

Cụ thể, tinh gọn đầu mối theo hướng, không quy định Trại tạm giam, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp, Cảnh sát quản lý hành chính là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; bổ sung quy định về Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (cấp bộ), Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (cấp tỉnh)...

5. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: gồm 10 chương, 134 điều. Luật quy định 7 nhóm nguyên tắc để áp dụng thống nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, chú trọng đến việc giao quyền quản lý, quyền sử dụng hoặc các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác nhằm xác định rõ chủ thể quản lý, sử dụng gắn với trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý, sử dụng tài sản công; việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường để đảm bảo hiệu quả và tính minh bạch của việc khai thác.

Đồng thời, Luật bổ sung quy định giám sát của cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm việc sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình...

6. Luật Trợ giúp pháp lý: gồm 8 chương, 48 điều. Việc xác định người được trợ giúp pháp lý được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa những đối tượng đang được trợ giúp pháp lý, phù hợp với các chính sách đặc thù và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. So với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, diện người được trợ giúp pháp lý được mở rộng (từ 6 diện người lên 14 diện người).

Theo đó, hai đối tượng được kế thừa hoàn toàn từ Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 là người thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạng; hai đối tượng được kế thừa và mở rộng là trẻ em không nơi nương tựa thành tất cả trẻ em, người dân tộc thiểu số ''thường trú'' thành ''cư trú'' tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Luật bổ sung hai nhóm là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi (hiện nay đang thuộc trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự) và người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo để bảo đảm chính sách hình sự đối với các nhóm đối tượng này...

7. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: gồm 4 chương, 35 điều. Luật được xây dựng trên quan điểm và nguyên tắc là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tôn trọng quy luật thị trường, không vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; hỗ trợ chủ yếu thông qua việc tạo cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Luật quy định về phạm vi điều chỉnh quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa: Luật sử dụng 3 tiêu chí là số lao động, doanh thu, nguồn vốn để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, số lao động tham gia BHXH (không quá 200 người) là tiêu chí bắt buộc, được kết hợp với 1 trong 2 tiêu chí là tổng nguồn vốn (không quá 100 tỷ đồng) hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề (không quá 300 tỷ đồng).

8. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo: gồm 9 chương, 68 điều quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.

Về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, Luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. "

Đối với người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác...

9. Luật Quản lý ngoại thương: gồm 8 chương, 113 điều. Luật chủ yếu điều chỉnh chủ yếu công tác quản lý nhà nước về ngoại thương, bao gồm: Các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương có liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế; không điều chỉnh, can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau, chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng là dịch vụ.

Lần đầu tiên, Luật khẳng định quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân chỉ bị hạn chế nếu thuộc các trường hợp mà Luật quy định biện pháp cấm, tạm ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu.

Luật quy định cụ thể những vấn đề liên quan đến các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch; các biện pháp hành chính; các biện pháp phòng vệ thương mại; biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong hoạt động ngoại thương; các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương…

10. Luật Du lịch 2017: Gồm 9 chương, 78 điều (giảm 20 chương, 10 điều so với Luật Du lịch 2005) với nhiều nội dung được chỉnh sửa nhằm thúc đẩy du lịch phát triển; nâng cao chất lượng hoạt động du lịch; tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp du lịch; tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động hướng dẫn du lịch; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch…

Luật có quy định cụ thể liên quan đến khách duc lịch. Theo đó, khách du lịch có nghĩa vụ ứng xử văn minh, tuân thủ pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến du lịch để giữ gìn hình ảnh quốc gia khi đi du lịch nước ngoài của công dân Việt Nam.

Ngoài ra, luật cũng có những quy định liên quan đến tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và quy hoạch về du lịch; điểm du lịch, khu du lịch; kinh doanh du lịch; hướng dẫn viên du lịch; xúc tiến du lịch, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch...

Phương Mai - baomoi.com

Tin cùng chủ đề:

 < 1 2 3 4 >  Last ›